00:16 11-04-2024

Thuế giá trị gia tăng (Thuế GTGT) là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.

thue-gia-tri-gia-tang-2.png (713 KB)

1. Thuế giá trị gia tăng là gì?

Thuế giá trị gia tăng (Thuế GTGT) là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.

(Định nghĩa về Thuế GTGT được quy định tại Điều 2 Luật số 13/2008/QH12)

Thuế GTGT còn được gọi với một cái tên khác là thuế VAT (Value-Added Tax). Hiểu một cách đơn giản, đây là loại thuế được tính cộng vào giá bán của các loại hàng hóa, dịch vụ trong đơn hàng và do người tiêu dùng thanh toán, chi trả khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó.

2. Đặc điểm của thuế GTGT

Thuế giá trị gia tăng (VAT) có 4 đặc điểm đặc trưng: 

2.1. Thứ nhất, thuế GTGT là thuế gián thu

Thuế GTGT do người tiêu dùng cuối cùng chịu. Cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ là người nộp thuế vào ngân sách nhà nước thay cho người tiêu dùng thông qua việc cộng thuế vào giá bán mà người tiêu dùng phải thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, thuế GTGT là thuế gián thu. 

2.2. Thứ hai, thuế giá trị gia tăng là thuế tiêu dùng nhiều giai đoạn không trùng lặp

Thuế GTGT đánh vào tất cả các giai đoạn luân chuyển từ sản xuất tới lưu thông, tiêu dùng. Ở từng giai đoạn, thuế chỉ tính trên phần giá trị gia tăng của giai đoạn đó, không tính trùng phần GTGT đã tính thuế ở các giai đoạn luân chuyển trước. 

Xét trên một hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, tổng số thuế GTGT thu được qua tất cả các giai đoạn luân chuyển của hàng hóa, dịch vụ bằng với số thuế tính trên giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng. Vì vậy, thuế GTGT là thuế tiêu dùng nhiều giai đoạn không trùng lặp. 

2.3. Thứ ba, thuế giá trị gia tăng được đánh thuế theo nguyên tắc điểm đến

Thuế GTGT được áp dụng theo nguyên tắc điểm đến. Thuế GTGT đánh vào hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nội địa, bất kể hàng hóa dịch vụ đó được tạo ra ở trong nước hay nhập khẩu từ nước ngoài. 

2.4. Thứ tư, thuế giá trí gia tăng có phạm vi điều tiết rộng

Thuộc loại thuế tiêu dùng thông thường, đánh vào hầu hết các hàng hóa, dịch vụ nên thuế GTGT có phạm vi điều tiết rộng. 

3. Vai trò của thuế giá trị gia tăng

Một số vai trò chính của thuế GTGT:

  • Nguồn thu quan trọng cho Ngân sách nhà nước;
  • Khuyến khích xuất khẩu hàng hóa dịch vụ;
  • Thúc đẩy thực hiện chế độ hạch toán, sử dụng hóa đơn;
  • Điều tiết thu nhập của tổ chức, cá nhân tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.

4. Đối tượng áp dụng thuế GTGT

Các loại hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp xem xét thuế GTGT được phân loại làm 3 nhóm đối tượng chính là:

  • Đối tượng chịu thuế GTGT : 0%, 5%, 10%
  • Đối tượng không chịu thuế
  • Đối tượng không phải tính, khai, nộp thuế GTGT

5. Cách tính thuế giá trị gia tăng

Để tính thuế giá trị gia tăng VAT bạn có thể áp dụng một trong 2 phương pháp tính sau:

5.1. Tính thuế giá trị gia tăng VAT theo phương pháp khấu trừ

Cách tính thuế giá trị gia tăng VAT theo phương pháp khấu trừ áp dụng cho các đơn vị kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật gồm:

    • Đơn vị kinh doanh có doanh thu hàng năm từ một tỷ đồng trở lên từ bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trừ hộ, cá nhân kinh doanh.
    • Đơn vị kinh doanh đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, trừ hộ, cá nhân kinh doanh.

Công thức tính:

Số thuế VAT cần nộp = Số thuế VAT đầu ra – Số thuế VAT đầu vào được khấu trừ

Trong đó:

Số thuế VAT đầu ra = Giá thuế các sản phẩm/ dịch vụ bán ra  x Thuế suất thuế VAT các sản phẩm/ dịch vụ đó

Số thuế VAT đầu vào được khấu trừ: Là tổng số thuế giá trị gia tăng (VAT) đã ghi trên các hóa đơn giá trị gia tăng khi mua hàng hóa/ dịch vụ, chứng từ nộp thuế GTGT của hàng hóa nhập khẩu và đáp ứng đầy đủ các quy định.

5.2. Tính thuế giá trị gia tăng VAT theo phương pháp trực tiếp

Cách tính thuế giá trị gia tăng VAT theo phương pháp trực tiếp áp dụng cho:

    • Doanh nghiệp, hợp tác xã có doanh thu hàng năm dưới 1 tỷ đồng (trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ)
    • Tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở kinh doanh thường trú tại Việt Nam nhưng có doanh thu tại Việt Nam và không thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ.
    • Các tổ chức kinh tế khác (trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ)

Công thức tính thuế GTGT phải nộp:

Số thuế VAT cần nộp = Tỷ lệ % x Doanh thu

Trong đó:

Tỷ lệ % để tính thuế được quy đinh như sau:

    • Đối với dịch vụ phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%
    • Đối với các hoạt động kinh doanh khác: 2%
    • Đối với sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%
    • Đối với dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%
    • Đối với hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý: 10%

Doanh thu: Là tổng số tiền thu được từ bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bao gồm các khoản phụ thu, phụ phí thêm mà đơn vị kinh doanh được hưởng.

6. Hướng dẫn kê khai nộp thuế giá trị gia tăng

Để kê khai nộp thuế giá trị gia tăng VAT doanh nghiệp thực hiện theo các bước sau:

  • Bước 1: Xác định phương pháp tính thuế GTGT cho doanh nghiệp là phương pháp khấu trừ hay trực tiếp
  • Bước 2: Xác định kỳ khai thuế của doanh nghiệp là theo tháng hay theo quý
  • Bước 3: Lập tờ khai thuế GTGT hàng tháng hoặc hàng quý và nộp cho cơ quan thuế
  • Bước 4: Thực hiện quyết toán thuế theo quy định
  • Bước 5: Hoàn thuế GTGT (Nếu có)

 

Bình luận
Đăng bình luận